Đầu tư vào giáo dục: Tâm huyết của nhiều doanh nhân

2020-10-13 21:40:45

Trước khi trở thành các nhà đầu tư - các cổ đông chính của Trường Đại học Công nghiệp Vinh, ông Trần Lê Dũng, TS. Nguyễn Đình Thắng và TS. Hà Văn Hải đều là những doanh nhân thành công trong nhiều lĩnh vực trên thương trường.

Ông Trần Lê Dũng, TS. Hà Văn Hải, TS. Nguyễn Đình Thắng (tính từ vị trí thứ 6, từ trái sang phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Lãnh đạo trường Đại học Công nghiệp Vinh

Ông Trần Lê Dũng, TS. Hà Văn Hải, TS. Nguyễn Đình Thắng (tính từ vị trí thứ 6, từ trái sang phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Lãnh đạo trường Đại học Công nghiệp Vinh

Trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển, vấn đề xã hội hóa giáo dục được chú trọng từ rất sớm. Ở Việt Nam phải sau thời kỳ đổi mới, chủ đề xã hội hóa giáo dục mới được Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Tri thức chính là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực, là sức mạnh của nội lực và là sức hút chủ yếu của ngoại lực. Chất lượng nguồn nhân lực, tri thức con người phải thông qua giáo dục và đào tạo mới có được.

Do vậy, nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người Việt Nam trên cơ sở phát triển giáo dục và đào tạo là động lực của sự phát triển kinh tế tri thức, là vấn đề có ý nghĩa sống còn trước xu thế toàn cầu hoá.

Trước tình hình đó, với kinh nghiệm và năng lực tài chính của mình, nhiều doanh nhân lựa chọn giáo dục là lĩnh vực xứng đáng được đầu tư bài bản.

Đầu tư cho chính quê hương mình

Ông Trần Lê Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sành sứ Thủy tinh Việt Nam (Vinaceglass) là một trong những người khởi đầu cho làn sóng đầu tư vào Nghệ An. Được biết, ba ông là người gốc Quảng Bình, là sinh viên những khóa đầu của Đại học Sư phạm Vinh, có nhiều năm dạy học ở Nghệ An. Mẹ ông là người Nghệ An (Đô Lương) và anh trai ông là giảng viên Đại học Sư phạm Vinh.

Sau 10 năm đầu tư tại Nghệ An, những dự án mà Vinaceglass cũng như doanh nhân Dũng đầu tư không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn mang giá trị xã hội to lớn.

Tháng 3/2008, tỉnh Nghệ An lần đầu tiên tổ chức hoạt động kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào tỉnh Nghệ An, tại hội nghị này Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì kêu gọi các nhà đầu tư tâm huyết về với quê hương Bác Hồ để xây dựng một trường đại học đào tạo về công nghệ và kỹ thuật.

Đáp lời kêu gọi đó, ông Trần Lê Dũng – Chủ tịch HĐQT Vinaceglass đại diện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp từ Hà Nội và TP. HCM quyết định đầu tư vào ngôi trường này.

Hiện nay, ông đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Trường - Trường Đại học Công nghiệp Vinh (IUV). Đây là ngôi trường đã đào tạo và cung ứng ra thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao cho Nghệ An và các tỉnh lân cận.

Ông Trần Lê Dũng (giữa), TS. Nguyễn Đình Thắng (phải) cùng TS. Lê Văn Hỷ tại Hội nghị các Nhà đầu tư Trường Đại học Công nghiệp Vinh năm 2020

Ông Trần Lê Dũng (giữa), TS. Nguyễn Đình Thắng (phải) cùng TS. Lê Văn Hỷ tại Hội nghị các Nhà đầu tư Trường Đại học Công nghiệp Vinh năm 2020

Đón đầu cơ hội và phát triển giáo dục

Phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải gắn với phát triển kinh tế tri thức. Đó là đòi hỏi tất yếu để chúng ta đi tắt, đón đầu và phát triển theo phương thức “rút ngắn”.

TS. Nguyễn Đình Thắng (sinh năm 1957) - một doanh nhân tiêu biểu trong lĩnh vực thương mại - tài chính - ngân hàng nhận thấy, giáo dục và đào tạo là hoạt động trực tiếp tác động đến việc nâng cao trí tuệ, nâng cao sự hiểu biết và vận dụng những tri thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất của con người. Chính vì thế, ông quyết định đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, cụ thể là Trường Đại học Công nghiệp Vinh với mong muốn đào tạo ra thế hệ trẻ tài năng, nhiệt huyết cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao.

TS. Nguyễn Đình Thắng hiện đang giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng Trường IUV.

Nguồn lực con người giữ vai trò quyết định cho tăng trưởng kinh tế

TS. Hà Văn Hải (SN 1951, quê Bắc Giang) được biết từng làm tiến sĩ tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Liên Xô (cũ), sau đó về công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch - Đầu tư).

Năm 2000, ông Hải mới vào TP. HCM nghiên cứu thị trường, lập Công ty Bất động sản Hà Quang – một doanh nghiệp được biết đến là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn.

TS. Hà Văn Hải (giữa) tại Hội nghị các Nhà đầu tư Trường Đại học Công nghiệp Vinh năm 2020

TS. Hà Văn Hải (giữa) tại Hội nghị các Nhà đầu tư Trường Đại học Công nghiệp Vinh năm 2020

Sau hàng chục năm hoạt động trên thương trường, bằng tư duy nhạy bén, hướng đi phù hợp với nền kinh tế thị trường, giờ đây, TS. Hà Văn Hải đang quản lý nhiều công ty kinh doanh đa ngành nghề, sản phẩm như: bất động sản, sản xuất kinh doanh điện mặt trời…, góp phần tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động và làm giàu thêm cho quê hương, đất nước. Thành công nhất đối với TS. Hà Văn Hải là đã nghiên cứu sản xuất trứng cá tầm đen quy mô lớn, giá trị kinh tế cao tại Việt Nam.

Nhận thấy rằng, giáo dục và đào tạo là ngành chuẩn bị con người hành trang phát triển cao về trí tuệ, về tay nghề, về kỹ năng và kỹ xảo, đồng thời giúp phát huy nội lực - trình độ trí tuệ dân tộc. TS. Hà Văn Hải đã đầu tư vào lĩnh vực này như góp một phần sức mình cho sự nghiệp trồng người chung của dân tộc. TS. Hà Văn Hải đang là Thành viên Hội đồng trường - Trường Đại học Công nghiệp Vinh.

Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Đây chính là hướng đi đúng đắn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt nói chung. Gắn kinh doanh với đầu tư giáo dục là con đường thách thức, nhưng điều đó mang đến tầm vóc và giá trị cho doanh nghiệp, đóng góp thiết thực cho xã hội.




Tư vấn tuyển sinh

096 446 77 88

Tư vấn nhập học

091 838 18 88